
Từng là một trong những cộng đồng sôi động nhất trên mạng xã hội, nơi hội tụ của những người đam mê sneakers và giày thời trang, nhưng hiện tại, văn hóa yêu giày tại Việt Nam đang dần đánh mất sức hút. Cơn sốt sneakers một thời giờ đây đang bước vào giai đoạn bão hòa với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Sự Dịch Chuyển Trong Hành Vi Mua Hàng Và Áp Lực Cạnh Tranh
Những năm gần đây, sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử đã thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng tiếp cận giày dép. Không còn cảnh săn lùng từng mẫu giày độc lạ hay dành thời gian trải nghiệm tại các cửa hàng, phần lớn người mua giờ đây chỉ cần lướt Shopee, Lazada hay TikTok Shop để tìm một đôi giày với mức giá rẻ nhất. Cuộc đua giảm giá liên tục giữa các nhà bán lẻ đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của khách hàng, từ chỗ quan tâm đến chất lượng, thiết kế và câu chuyện đằng sau mỗi đôi giày, nay chỉ còn xoay quanh mức giá và các chương trình khuyến mãi.
Điều này đẩy các thương hiệu vào thế khó, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tồn tại. Nhiều hãng giày nội địa không còn tập trung vào sự khác biệt về chất lượng hay thiết kế, mà chủ yếu cắt giảm chi phí để có giá bán cạnh tranh. Khi giá trị thương hiệu bị thay thế bởi những con số trên sàn thương mại điện tử, giày dép dần trở thành một sản phẩm tiêu dùng thông thường, thay vì biểu tượng của phong cách và cá tính.
Sự Bùng Nổ Của Giày OEM kém chất lượng Và Suy Giảm Giá Trị Thương Hiệu
Song song với sự lên ngôi của các sàn thương mại điện tử, thị trường giày tại Việt Nam cũng chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các sản phẩm OEM – những đôi giày được sản xuất theo đơn đặt hàng từ các xưởng gia công, nhưng không có sự đầu tư bài bản vào chất lượng và thiết kế. Với lợi thế giá rẻ, mẫu mã bắt chước nhanh chóng theo xu hướng, giày OEM dần chiếm lĩnh thị phần, đẩy nhiều thương hiệu giày nội địa vào tình thế khó khăn.
Hệ quả là khách hàng ngày càng ít quan tâm đến giá trị thương hiệu, thay vào đó họ tìm kiếm những sản phẩm có mức giá thấp nhất có thể, miễn là đáp ứng nhu cầu cơ bản. Điều này khiến những hãng giày muốn duy trì chất lượng trở nên lép vế, khi sự khác biệt về chất liệu hay quy trình sản xuất không còn là yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng.
Không chỉ vậy, sự tràn lan của giày OEM giá rẻ còn khiến thị trường trở nên kém đa dạng, khi phần lớn sản phẩm đều mang phong cách na ná nhau, thiếu sáng tạo và đột phá. Điều này gián tiếp làm giảm đi niềm đam mê và sự hứng thú của cộng đồng yêu giày, khi việc sở hữu một đôi giày giờ đây không còn mang ý nghĩa thể hiện cá tính hay phong cách, mà đơn thuần chỉ là một giao dịch mua bán thông thường cho như cầu đi lại.
Mất Kết Nối Với Văn Hóa Yêu Giày
Cộng đồng sneakerhead từng là nơi chia sẻ đam mê, bàn luận về chất liệu, thiết kế và câu chuyện đằng sau mỗi đôi giày. Nhưng giờ đây, nhiều nhóm giày trên Facebook, Zalo chủ yếu xoay quanh việc mua bán, tranh cãi về giá cả hay khoe khoang hơn là chia sẻ thực sự.
Sự kiện Sneaker Fest Tài thành phố Hồ Chí Minh
Sự kiện kỉ niệm 7 năm của thương hiệu giày RieNevan
Sự kiện Offline Amili Sài Gòn của thương hiệu giày RieNevan
Việc thiếu các sự kiện thực tế để kết nối cộng đồng cũng là một yếu tố khiến sự gắn kết dần mai một. Những buổi offline, triển lãm hay sneaker convention ngày càng ít đi, thay vào đó là những sự kiện mang tính thương mại, những buổi livestream giảm giá sập sàn hơn là giao lưu. Dần dần, cộng đồng yêu giày mất đi bản sắc vốn có, khi những cuộc thảo luận về chất lượng hay phong cách bị thay thế bằng cuộc chạy đua lợi nhuận.
Thương Hiệu Giày Việt Rời Cuộc Chơi
Cùng với sự thay đổi của thị trường, nhiều thương hiệu giày Việt đã phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì hoạt động. Trong năm qua, không ít thương hiệu từng gây tiếng vang với các sản phẩm có thiết kế và chất lượng riêng biệt đã phải dừng hoạt động do không thể cạnh tranh với làn sóng giày OEM giá rẻ và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Một ví dụ điển hình là thương hiệu giày MỘT, được thành lập từ năm 2018 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ bởi thiết kế đơn giản, tinh tế. Tuy nhiên, vào ngày 9/2 vừa qua, MỘT đã thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 15/2, đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu giày "made in Việt Nam" được nhiều người yêu thích. (Nguồn: kenh14.vn)
Bài thống báo của thương hiệu MỘT trên Fanpage
Sự dừng lại của những thương hiệu như MỘT không chỉ là một tổn thất về mặt kinh doanh, mà còn là dấu hiệu rõ ràng về sự mất kết nối của cộng đồng yêu giày với những giá trị cốt lõi từng khiến họ gắn bó.
Cộng Đồng Yêu Giày Sẽ Đi Về Đâu?
Trong bối cảnh này, nhiều người cho rằng cần có những nỗ lực để giữ lại giá trị cốt lõi của cộng đồng. Một số thương hiệu nội địa cũng đang cố gắng mang đến những sản phẩm mang bản sắc riêng để thoát khỏi cái bóng của những đôi giày đình đám quốc tế.
Dù vậy, câu hỏi lớn vẫn là liệu văn hóa sneaker tại Việt Nam có thể tìm lại được chất riêng như những ngày đầu, hay sẽ tiếp tục trôi theo làn sóng thương mại hóa và dần mất đi bản sắc thực sự của mình?
Viết bình luận